Cơn khủng hoảng của OPEC

Hôm nay, ngày 24/10, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu (OPEC), chiếm 40% xuất khẩu dầu của thế giới, sẽ nhóm họp khẩn cấp tại Vienna, Áo. Các thành viên OPEC đang lo lắng trước tình hình kinh tế thế giới khủng hoảng, mức tiêu thụ dầu của các nước giảm rõ rệt. Giá dầu gần đây dao động trên dưới 70 USD/thùng, giảm chỉ còn một nửa so với giá đỉnh 147 USD/thùng hồi tháng 7.

Khi giá dầu tăng cao, vượt ngưỡng 100 USD/thùng vào tháng 2, OPEC đã từ chối tăng sản lượng vì cho không phải do nhu cầu tiêu thụ tăng mà do đầu cơ. Duy trì giá cao đã đem lại nguồn thu lớn cho các nước OPEC. Còn nay, tốc độ giá sụt giảm nhanh đã làm bối rối các nhà sản xuất dầu. Cuộc họp khẩn lần này nhằm tìm giải pháp đẩy giá dầu lên.

Dự đoán OPEC sẽ cắt giảm sản lượng ít nhất 1 triệu thùng/ngày, chiếm hơn 1% cung cấp dầu cho thế giới. Tuy nhiên các chuyên gia cảnh báo nếu OPEC cắt giảm quá mức, đẩy giá dầu tăng cao thì càng làm cho khủng hoảng kinh tế thế giới tồi tệ hơn, việc hồi phục kinh tế kéo dài. Vấn đề đặt ra là OPEC không biết cụ thể nhu cầu đang bị giảm sút là bao nhiêu. Thế nên thật là liều lĩnh khi quyết định cắt sản lượng của OPEC không đủ tạo hiệu quả (nâng giá dầu), hoặc cắt quá nhiều.

Vấn đề lớn nhất là OPEC muốn bảo vệ giá nào? Năm 2000, các nhà sản xuất thông qua khung giá 22 đến 28 USD/thùng, và điều chỉnh mức sản xuất phù hợp. Nhiều thành viên OPEC cảm thấy bị kiềm chế, nhưng về cơ bản khung giá này giúp bình ổn thị trường dầu thế giới. Để bảo vệ giá dầu đòi hỏi dành năng suất dự trữ để sẵn sàng tăng, giảm sản lượng khi giá dầu lên cao, xuống thấp quá mức.

Nhưng lịch sử cho thấy các thành viên OPEC nhiều lúc không tuân thủ quy định của khối, có khi giá cao OPEC quyết định giữ nguyên sản lượng để giữ giá nhưng thành viên thấy lợi thì xé rào tăng sản lượng. Các nhà phân tích cho rằng giờ đây nhu cầu dầu hạ thấp và có thêm những dự án dầu mới sắp triển khai thì nguồn dự trữ khá sẵn sàng, thuận lợi cho việc điều tiết. Áp dụng cơ chế khung giá là cách tốt nhất cho OPEC quản lý thị trường theo những điều kiện hiện nay. OPEC nói chung không muốn giá dầu xuống dưới 70 USD/thùng và sẽ tốt hơn nếu giá dầu xoay quanh 80 USD/thùng.

Tuy nhiên, các nước trong OPEC có thể tính toán khác nhau. Iran và Venezuela, chẳng hạn, muốn giá dầu ở mức 95 USD/thùng để cân bằng ngân sách của họ. Để duy trì giá cao, Iran đòi cắt 2,5 triệu thùng một ngày, giá dầu hết rẻ. Nigeria và Iraq nói sẽ giảm ngân sách năm tới vì giá dầu hạ. Trong khi đó Saudi Arabia, đồng minh với Mỹ, tuyên bố chỉ cần giá dầu 50 đến 55 USD/thùng để cân bằng ngân sách.

Cắt giảm sản lượng sẽ là sự thay đổi hoàn toàn với Saudi Arabia, nước có thời điểm đã bơm dầu nhiều hơn theo kêu gọi của thế giới để kéo giá dầu xuống dưới 100 USD/thùng. Vậy liệu cuộc họp khẩn lần này sẽ cho thấy OPEC sẽ thống nhất hành động trước khủng hoảng? Những năm qua OPEC hoạt động không thật sự thống nhất, hiệu quả. Nhưng theo đánh giá của các nhà phân tích thì OPEC giỏi quản lý khủng hoảng, và đây là khủng hoảng của họ.

(Nguồn: PVN info.net)