Gần đây có dư luận cho rằng, khai thác dầu khí là ngành "độc quyền" nên "hơi một tí" là đòi phải có "đặc thù". Người ta hiểu đặc thù nghĩa là được "ưu đãi" về chế độ, cơ chế tài chính; về quyền tự chủ nọ, kia mà không hiểu được tính chuyên biệt của ngành dầu khí là ở đâu, đơn vị, nghề nào?
Đặc thù ở đâu?
Nói một cách sòng phẳng, trong năm lĩnh vực cốt lõi của Tập đoàn Dầu khí gồm: Tìm kiếm - thăm dò - khai thác, công nghiệp khí, công nghiệp điện, công nghiệp chế biến và dịch vụ dầu khí kỹ thuật cao thì chỉ có lĩnh vực tìm kiếm - thăm dò - khai thác là có tính đặc thù cao nhất.
Vậy lĩnh vực này, tính đặc thù là gì? Ở đâu?
Đầu tiên là: Ngành dầu khí chịu rủi ro nhiều nhất so với tất cả các ngành nghề khác. Vì đó là nghề “ăn cơm dương gian, làm việc âm phủ”.
Do cấu tạo địa chất, các tích tụ dầu khí phân bố không đồng đều trong từng khu vực, trong từng lô, từng mỏ dầu, khí. Và không mỏ nào giống mỏ nào. Cho nên tìm kiếm, thăm dò là việc “mò kim đáy biển”. Ai từng phải đi khoan giếng lấy nước thì sẽ hiểu phần nào. Một mảnh vườn, chỉ vài trăm mét vuông, có khi khoan 3 - 4 giếng mà không thấy nước, trong khi cách bức tường, nhà hàng xóm, nước phun thành cột.
Hiện nay, tỷ lệ thành công trong tìm kiếm, thăm dò của thế giới vào khoảng 30%. Nghĩa là cứ 3 giếng khoan thăm dò thì chỉ có 1 giếng phát hiện có tích tụ dầu khí. Hai giếng còn lại, với chi phí hàng chục triệu USD, có khi lên đến hàng trăm triệu USD coi như “mất trắng”. Và cứ khoảng 3 đến 5 giếng “có tích tụ dầu” thì chỉ 1 giếng có trữ lượng dầu thương mại.
Minh chứng dễ thấy nhất là trong mấy chục năm qua, nhiều công ty dầu khí quốc tế đầu tư vào thăm dò ở Việt Nam, nhưng “mất trắng” 3 tỷ USD vì lý do như trên. Nhiều công ty đã phải chấm dứt hợp đồng, rút khỏi Việt Nam sau khi khoan không thành công, trong đó có nhưng tên tuổi lớn như: BP; Total, Shell…
Mỏ dầu cũng có vòng đời như con người. Cũng phải chịu quy luật Sinh, Lão, Bệnh, Tử. Chính vì thế, việc “chăm sóc” sức khỏe để kéo dài tuổi thọ của mỏ là cả một nghệ thuật, và khía cạnh nào đó, cũng đòi hỏi người thợ khai thác phải biết “yêu thương, chăm chút” cho mỏ.
Để có một mũi khoan tìm ra dầu, phải có sự tham gia của 60 ngành khoa học khác nhau, trong đó có cả vật lý hạt nhân và thiên văn học. Để khoan một mũi khoan trên biển với độ sâu mặt nước khoảng 100 mét phải tốn từ 15 đến 30 triệu USD, trong khi cứ trung bình 10 mũi khoan, may ra mới có 2 mũi tìm thấy dầu và 10 giếng tìm thấy dầu thì cũng chỉ có vài ba giếng có giá trị thương mại.
Một cụm giàn khai thác và xử lý của Vietsovpetro
Rủi ro cao
Dầu khí là một ngành siêu lợi nhuận nhưng cũng siêu rủi ro.
Nếu tìm thấy mỏ dầu có trữ lượng lớn, khai thác dễ dàng cộng với giá dầu cao, ổn định thì đúng là siêu lợi nhuận. Nhưng nếu khoan không thấy dầu hoặc có dầu nhưng không đủ trữ lượng khai thác thì có nghĩa là mất trắng hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu USD. Chính vì thế, trên thế giới các công ty dầu khí thường phải liên doanh với nhau trong công tác tìm kiếm, thăm dò mà mục đích chính là để chia sẻ rủi ro.
Một dự án dầu khí, kể từ lúc tìm kiếm, thăm dò đến lúc khoan thẩm định trữ lượng, rồi thiết kế mỏ và xây dựng giàn khai thác phải mất từ 5 đến 7 năm - ấy là trong điều kiện thuận lợi 100%. Và phải mất 7 đến 10 năm mới hòa vốn đầu tư, rồi sau đó mới có “đồng tiền dương”… Vì thế, đầu tư cho một dự án dầu khí cần dăm bảy trăm triệu USD là bình thường.
Không hiếm người cho rằng ngành dầu khí là “độc quyền”, nên doanh nghiệp khác không thể tham gia… Sự thật là: Không một tập đoàn kinh tế tư nhân nào ở Việt Nam dám bỏ tiền ra đi tìm kiếm, thăm dò mỏ dầu. Bởi họ không thể chịu đựng nổi khi chỉ vài mũi khoan không thấy dầu là mất đứt hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu USD.
Một rủi ro khác của ngành dầu khí, mà không ai có thể dự báo trước được, là những sự biến động về chính trị ở các quốc gia hoặc biến động về giá dầu. Ví dụ điển hình cho sự rủi ro của dầu khí khi gặp biến động về chính trị, đó là trường hợp PVN đầu tư vào mỏ Juni 2 ở Venezuela.
Dầu ở Juni 2 là loại dầu siêu nặng, giá thành khai thác khá cao (khoảng 90 USD/thùng) nhưng vào thời điểm những năm 2008 - 2009 khi giá dầu đang ở mức cao ngất ngưởng là hơn 100 USD/thùng thì việc được khai thác ở mỏ Juni 2 là một thắng lợi lớn cho chiến lược đầu tư ra nước ngoài của PVN. Bởi lẽ nếu không đầu tư ra nước ngoài, tìm kiếm mỏ dầu mới thì chỉ đến năm 2025, những mỏ dầu ở vùng thềm lục địa của chúng ta sẽ cạn kiệt, lúc đó việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia sẽ rất khó khăn.
Nhưng không ai có thể ngờ rằng sau khi Tổng thống Hugo Chavez mất, Venezuela lâm vào khủng hoảng, kinh tế khó khăn, lạm phát tăng chóng mặt; cộng vào đó, từ cuối năm 2014, giá dầu suy giảm đến mức tiêu cực, có lúc chỉ còn chưa đến 30 USD/thùng. Và thế là Dự án “giậm chân tại chỗ”, trong khi PVN đã chi hơn nửa tỷ USD vào đây.
Hiện tại giá dầu đã lên ở ngưỡng 70 USD, nhưng với tình hình như hiện nay ở Venezuela thì việc khai thác Juni 2 vẫn chưa thể được. Cũng phải nói thêm, thông tin cho rằng chúng ta đã mất trắng hàng trăm triệu USD là không đúng. Bởi lẽ quyền sở hữu của chúng ta ở Juni 2 vẫn còn, chỉ có điều bao giờ khai thác được và tới đây, nếu có biến động ở vùng Trung Đông, giá dầu sẽ vọt lên trên 100 USD/thùng, tình hình Venezuela ổn định, thì chưa biết chừng lúc đó Juni 2 sẽ lại là “con gà đẻ trứng vàng” cho PVN.
Một rủi ro nữa đó chính là giá dầu. Giá dầu trên thế giới là thứ không ai có thể “điều tiết” được. Việc giá dầu tăng giảm phụ thuộc vào tình hình địa chính trị của các quốc gia; vào sự tăng giảm sản lượng ở các mỏ dầu, thậm chí, chỉ một giàn khoan ở đâu đó ngừng khai thác là giá dầu đã biến động.
Rủi ro trong khai thác dầu khí là như vậy. Chính vì thế mà cần phải có một cơ chế tài chính mang tính đặc thù cho khâu thượng nguồn.
Ở nhiều công ty lớn trên thế giới, họ làm việc này rất đơn giản. Khi khai thác được một thùng dầu, trừ thuế và chi phí đầu tư, họ cắt lại từ 15 - 20% tiền lãi đưa vào quỹ riêng gọi là Quỹ thăm dò. Khi đi thăm dò ở đâu, họ lấy tiền ở quỹ này ra mà không sử dụng đến ngân sách, nếu gặp rủi ro bị mất thì cũng chẳng ảnh hưởng gì đến túi tiền của Nhà nước. Trước đây, ở PVN cũng đã có quỹ thăm dò, khai thác nhưng vì PVN là tập đoàn kinh tế 100% vốn Nhà nước nên nhà nước có quyền lấy tiền từ quỹ này để chi dùng cho những việc cấp bách khác. Khi giá dầu lên cao thì mọi việc đơn giản nhưng khi giá dầu xuống thấp, không có tiền cho thăm dò là sẽ gặp khó khăn. Trong vài năm trở lại đây, công tác tìm kiếm thăm dò, gia tăng trữ lượng của PVN gặp rất nhiều trở ngại. Tiền dành cho tìm kiếm, thăm dò bị hạn chế; việc tìm kiếm ở vùng nước sâu xa bờ đòi hỏi vốn cực lớn và một khó khăn nữa đối với PVN đó là tình hình bất ổn trên biển Đông.
Có thể khẳng định, nếu không sớm xây dựng được cơ chế đặc thù về tài chính cho PVN, không tạo được quyền chủ động tối đa cho PVN khi tham gia vào các hoạt động có tính quốc tế thì khó có thể tạo ra được một PVN có sự phát triển bền vững.
Nguyễn Như Phong
(Báo Đại biểu Nhân dân)
Đọc thêm:
- Hướng đi nào cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam? Bài 2: Người dầu khí lao động như thế nào?
- Hướng đi nào cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam? Bài 1: Non trẻ nhưng vinh quang
- NSRP xuất bán lô sản phẩm thứ hai: xăng RON 95
- Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hoàn thành vượt mức từ 2 – 18% các chỉ tiêu sản xuất 4 tháng 2018
- Đại hội Công đoàn Dầu khí Việt Nam lần thứ VI, nhiệm kỳ 2018-2023: Ngày hội của người lao động ngành Dầu khí
- Khánh thành Nhà máy Xử lý Khí Cà Mau
- NMNĐ Sông Hậu 1: Lắp đặt máy phát tổ máy số 1
- Công đoàn Dầu khí Việt Nam: Một nhiệm kỳ thành công về đối ngoại
- Lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam kiểm tra tình hình chạy thử Nhà máy Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn
- Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ Trưởng Diễn đàn Năng lượng Quốc tế IEF lần thứ 16 tại Ấn Độ.