PVT – Tâm điểm đầu tư trên thị trường

Đạt kết quả ấn tượng trong hoạt động sản xuất kinh doanh và có tiềm năng tăng trưởng tốt, cổ phiếu PVT của Tổng Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (PVTrans) là một trong những cổ phiếu được quan tâm hàng đầu của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay.

Lập kỷ lục mới

Năm 2018 là năm đánh dấu sự tăng trưởng mạnh mẽ của PVT với việc lập kỷ lục mới về các chỉ tiêu tài chính. Trong năm, tổng doanh của PVT đạt 7.835,7 tỷ đồng, vượt 149% kế hoạch năm và tăng trưởng 23% so với năm 2017; lợi nhuận trước thuế đạt 975,1 tỷ đồng, vượt 222% kế hoạch năm và tăng 45% so với cùng kỳ; Lợi nhuận sau thuế đạt 780,1 tỷ đồng, tương đương 219% kế hoạch năm; Tỷ suất lợi nhuận trước thuế/Vốn điều lệ đạt 35%, tăng 117% so với kế hoạch năm 2018 và bằng 145% so với năm 2017, hệ số thanh toán nhanh luôn trên 1,5 lần. -> Thơm check lại số và tỷ lệ %

Với kết quả xuất sắc đó, PVT đã hoàn thành trước 2 năm chỉ tiêu lợi nhuận của kế hoạch 5 năm 2016 – 2020 theo chiến lược Đại hội cổ đông PVT thông qua. Lợi nhuận của PVT tăng trưởng bình quân 20% liên tục trong 6 năm qua.

Năm 2018, nắm bắt cơ hội thị trường mua bán tàu biển đang ở mức thấp, PVT đã tích cực triển khai công tác đầu tư phát triển và trẻ hóa đội tàu, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động. Trong năm, PVT đã đạt kỷ lục về đầu tư đổi mới đội tàu với 7 tàu được đầu tư, nâng tổng số tàu từ 18 chiếc lên 25 chiếc. Các tàu đều được đầu tư với chi phí hợp lý, chất lượng tốt và được đưa ngay vào khai thác hiệu quả, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của đội tàu. 




 

2018 cũng là năm mà lần đầu tiên PVT tham gia thị trường cung cấp tàu VLCC (tàu dầu lớn nhất thế giới) với 6 chuyến tàu VLCC vận chuyển dầu thô từ Kuwait về Việt Nam, đảm nhận khoảng 25% sản lượng cho Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn. Đây là tiền đề quan trọng để PVT ký kết các hợp đồng dài hạn và xây dựng tên tuổi trong thị trường vận tải tàu VLCC. 

Nếu năm 2017, PVT chỉ thuê tàu ngoài để vận chuyển than cho các nhà máy nhiệt điện với mục tiêu thăm dò trước thị trường thì việc đầu tư tàu hàng rời  cỡ Supramax PVT Sapphire và tham gia vận chuyển nhập khẩu than từ Indonesia/Úc về Vĩnh Tân trong năm 2018 đã khẳng định năng lực của PVT trong việc đảm bảo cung cấp chuỗi vận chuyển than từ vận chuyển quốc tế đến chuyển tải trong nước, mở ra một thị trường to lớn cho PVT về vận chuyển than cho các nhà máy điện than tại Việt Nam. 

Điểm đáng ghi nhận khác và là nền tảng cho sự tăng trưởng, phát triển bền vững của PVT là công tác tái cấu trúc cùng với công tác quản lý, quản trị được triển khai mạnh mẽ và quyết liệt đã giúp cho hoạt động sản xuất kinh doanh của PVT có nhiều chuyển biến tích cực. Mô hình quản lý của PVT đã đúng định hướng và có kết quả như kỳ vọng; công tác quản lý ngày càng chặt chẽ; các đơn vị thành viên của PVT đã mạnh hơn và hoàn toàn chủ động trong các hoạt động SXKD, không còn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của công ty mẹ như ngày đầu. Công tác tái cấu trúc thắng lợi với các chuyển biến tích cực và mạnh mẽ từ PVTrans Hà Nội, PVTrans Quảng Ngãi sau tái cấu trúc. PVT cũng đã thực hiện thoái vốn thành công tại PCT đảm bảo thu hồi vốn; hoàn tất tăng vốn cho NVTrans và Công ty Phương Đông Việt theo đúng kế hoạch và chiến lược đề ra.

Với kết quả ấn tượng ở hầu hết lĩnh vực hoạt động, cùng triển vọng phát triển bền vững, cổ phiếu PVT là một trong những cổ phiếu được quan tâm hàng đầu của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam. PVT lần đầu tiên được tổ chức Forbes – tổ chức xếp hạng uy tín của Mỹ - lựa chọn vào danh sách Top 50 Công ty niêm yết tốt nhất tại thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2018. Uy tín, vị thế và thương hiệu của PVT được nâng lên, khẳng định là doanh nghiệp vận tải biển số 1 Việt Nam và được các cổ đông, đối tác, nhà đầu tư quan tâm.

Triển vọng tích cực

Theo nhận định từ Công ty Cổ phần Chứng khoán Dầu khí (PSI), triển vọng trong năm 2019 của PVT tiếp tục tích cực khi PVT hiện phối hợp với các đơn vị trong ngành Dầu khí trong việc vận chuyển toàn bộ nguyên liệu dầu thô đầu vào và sản phẩm dầu đầu ra của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất; cùng với đó tận dụng cơ hội vận chuyển 25% sản lượng dầu thô đầu vào, 40% sản lượng dầu sản phẩm cho Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn; tiếp tục tham gia vận chuyển dầu thô và các sản phẩm dầu trên thị trường trong và ngoài nước cũng như cho thuê tàu trên thị trường quốc tế để khai thác tối đa năng lực đội tàu hiện có và tăng nguồn thu ngoại tệ. Bên cạnh đó, PVT còn vận hành hiệu quả FSO PVN Đại Hùng Queen tại mỏ Đại Hùng, FPSO Lewek Emas tại mỏ Chim Sáo và tiếp tục thực hiện hỗ trợ vận hành an toàn tàu FPSO Song Doc Pride MV 19; là đầu mối tham gia cung ứng kịp thời, đầy đủ dịch vụ vận chuyển than cho các nhà máy nhiệt điện chạy than của PVN. Với chiến lược đầu tư trẻ hóa đội tàu, tài sản dài hạn của PVT đã tăng mạnh trong năm 2018 và sẽ tiếp tục tăng đáng kể trong 2019.

Các chuyên gia nhận định, việc Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn đi vào vận hành thương mại vào tháng 12-2018 sẽ là động lực tăng trưởng đột biến cho PVT trong năm 2019 nhờ vào hợp đồng vận chuyển dầu thô và dầu thành phẩm cho nhà máy lọc dầu này. Điều này củng cố thêm cho triển vọng tích cực trong dài hạn PVT, nhờ gia tăng hiệu suất hoạt động. Từ năm 2020 trở đi, khi hoạt động hết công suất, hàng năm Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn sẽ đóng góp tích cực cho việc tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của PVT, qua đó giúp công ty đạt được mục tiêu tăng trưởng kép hàng năm EPS là 11,9%.

Với triển vọng tích cực đó, Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) khuyến nghị “Mua” cổ phiếu PVT với giá mục tiêu 23.000 đồng/cổ phiếu; VCSC đồng thời dự phóng tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) EPS cốt lõi 5 năm của PVT đạt 9,5% nhờ một hợp đồng thuê tàu Very-Large-Crude-Carrier (VLCC) dài hạn trong năm 2020 và hợp động vận tải than và LPG mới.  

Hiện tại PVT giao dịch quanh mức giá hơn 17.000 đồng/cổ phiếu; P/E (Hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu) của PVT hiện tại là 7,5 lần cao nhất ngành do gần như độc quyền vận tải dầu thô và khí LPG. Năm 2019, với hoạt động khả quan ở Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, dự báo sẽ giúp doanh thu của PVT tăng trưởng tốt và P/E mục tiêu cho 2019 của PVT dự kiến trên 10 lần.


D.H